8 Tháng bảy, 2023

Vốn nổi danh ‘keo kiệt’, tại sao Arsenal có thể bạo chi ở thị trường chuyển nhượng hè?

Vốn là đội bóng không thường chi đậm trong quá khứ, Arsenal lại đang có một kỳ chuyển nhượng hè cực kỳ ấn tượng.

Arsenal đang mua nhiều tân binh đắt giá

Cách đây khoảng một tuần, trang chủ Arsenal đã chính thức thông báo việc hoàn tất thương vụ Kai Havertz. Arsenal sẽ trả 70 triệu euro phí chuyển nhượng cho Chelsea, thêm 4 triệu tùy vào thành tích của tiền vệ người Đức. Kai Havertz sẽ ký hợp đồng 5 năm, nhận lương 210.000 bảng mỗi tuần và mặc áo số 29 quen thuộc. Như vậy, cựu sao Bayer Leverkusen chính là tân binh đầu tiên của Pháo thủ ở kỳ chuyển nhượng hè 2023.

Cũng mới cách đây ít ngày, theo ký giả David Ornstein của tờ The Athletic, Arsenal đã đạt thỏa thuận chiêu mộ tiền vệ Declan Rice với phí chuyển nhượng 105 triệu bảng (100 triệu bảng phí chuyển nhượng và thêm 5 triệu tùy vào thành tích của tuyển thủ Anh). Mức phí trên cũng sẽ biến Declan Rice trở thành cầu thủ người Anh đắt giá nhất giải đấu hàng đầu xứ sở sương mù, phá kỷ lục của Jack Grealish khi anh đầu quân cho Man City vào hè 2021 (100 triệu bảng) đồng thời trở thành cầu thủ có phí chuyển nhượng trăm triệu bảng đầu tiên của Arsenal.

Arsenal chuẩn bị kích nổ “bom tấn” Declan Rice.
Arsenal chuẩn bị kích nổ “bom tấn” Declan Rice.

Chưa dừng lại ở đó, Arsenal sắp hoàn tất thêm một thương vụ là Jurrien Timbers. Theo ký giả David Ornstein của The Athletic, Arsenal đã chi ra số tiền lên đến 45 triệu euro (40 triệu euro phí chuyển nhượng và 5 triệu euro phụ phí) để có được cái gật đầu từ phía Ajax.

Arsenal có thể chi đến 210 triệu bảng ở kỳ chuyển nhượng hè này

“Muốn có được các cầu thủ tài năng, các đội bóng sẽ phải trả số tiền tương xứng.” Đó chính là điều mà đích thân HLV Mikel Arteta chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn khi được hỏi về việc Arsenal chiêu mộ Kai Havertz và Declan Rice. Nhưng khi một đội bóng từng nổi tiếng “keo kiệt” như Arsenal lại sẵn sàng chi đến gần 210 triệu bảng khi thị trường chuyển nhượng mới mở được gần một tháng, ngay cả các cổ động viên Pháo thủ cũng phải bất ngờ.

Jurrien Timbers cũng chuẩn bị gia nhập Arsenal.
Jurrien Timbers cũng chuẩn bị gia nhập Arsenal.

Tại sao Arsenal lại bị nói là “keo kiệt”?

Năm 2018, khi Stan Kroenke độc chiếm Arsenal hoàn toàn, người hâm mộ đã mong chờ vị tỷ phú người Mỹ mạnh tay đầu tư xây dựng đội hình chất lượng cho đội nhà. Theo Forbes, giá trị tài sản ròng của Stan Kroenke là 12,9 tỷ USD, xếp vị trí thứ 139 trên thế giới. Tuy nhiên, tỷ phú sinh năm 1947 lại quá “ki bo” mỗi khi kỳ chuyển nhượng tới.

Nguyên nhân có lẽ là bởi Arsenal không phải đội thể thao duy nhất mà ông này sở hữu. Bên cạnh bóng đá, Stan Kroenke còn đầu tư vào bóng bầu dục (Los Angeles Rams), bóng rổ (Denver Nuggets), khúc côn cầu trên băng (Colorado Avalanche), Overwatch (Los Angeles Gladiators), Call of Duty (Los Angeles Guerrillas) và còn là cổ đông của một vài đội thể thao khác. Pháo thủ chỉ đơn giản là một trong rất nhiều mối bận tâm của Stan Kroenke và ông không muốn chi quá nhiều tiền chỉ cho một đội thể thao.

Stan Kroenke đang nắm giữ nhiều đội thể thao.
Stan Kroenke đang nắm giữ nhiều đội thể thao.

Pháo thủ giờ đã khác xưa

Mãi đến vài năm gần đây khi Stan Kroenke trao quyền quản lý Arsenal cho con trai là Josh Kroenke, tình hình mới trở nên khá khẩm hơn. Giám đốc sinh năm 1980 đã làm việc ăn ý cùng HLV Mikel Arteta và cho người cha của mình thấy rằng số tiền đổ vào Arsenal là khoản đầu tư đúng đắn.

Ở mùa giải năm ngoái, Tập đoàn Kroenke Sports & Entertainment đã mang về Gabriel Jesus (52 triệu euro), Oleksandr Zinchenko (35 triệu euro), Fabio Vieira (35 triệu euro), Jakub Kiwior (25 triệu euro), Leandro Trossard (24 triệu euro) và Jorginho (11 triệu euro). Tổng cộng, Stan Kroenke đã chi ra 182 triệu euro, con số không hề ít. Vì vậy trên thực tế, ngay từ mùa giải trước, Arsenal đã phần nào cho thấy sự chịu chi của mình trên thị trường chuyển nhượng.

HLV Mikel Arteta đã có nhiều tân binh chất lượng từ mùa trước.
HLV Mikel Arteta đã có nhiều tân binh chất lượng từ mùa trước.

Việc các khoản đầu tư khác của Stan Kroenke đã và đang đem lại thành công cũng vô tình giúp Arsenal được hưởng lợi. Tiêu biểu là Los Angeles Rams vô địch Super Bowl 2022 hay Denver Nuggets mới đây vừa lên ngôi NBA 2022/23. Nhà Kroenke muốn Arsenal cũng giành được các danh hiệu, như những đội thể thao khác mà họ đang nắm quyền.

Kết luận

Bên cạnh đó, một trong những lý do khiến Arsenal phải thắt lưng buộc bụng và bị gắn với tính từ “keo kiệt” là khi Pháo thủ phải đầu tư tiền cho sân vận động mới là Emirates. Nhưng bây giờ, khi các khoản nợ vì xây dựng sân đã được trả, khi sân nhà đã thu được lãi cũng là lúc mà Arsenal có thể thoải mái chi tiêu hơn trước. Có thể trong quá khứ, Stan Kroenke chỉ dùng Pháo thủ như một công cụ kiếm tiền nhưng giờ đây, dù nhìn dưới góc độ nào, thật khó để kết luận như vậy được nữa.


XEM THÊM: