Man United là ‘trùm’ chuyển nhượng thua lỗ: Vì đâu nên nỗi?
Man City hay PSG bị đánh giá là “dùng tiền mua danh hiệu”, nhưng Man United thậm chí dùng rất nhiều tiền mà vẫn không mua được thành công.
Sau khi kỳ chuyển nhượng hè 2023 chính thức khép lại tại các giải VĐQG hàng đầu châu Âu, Trung tâm Nghiên cứu Thể thao Quốc tế (CIES) có trụ sở tại Thụy Sĩ đã công bố bảng xếp hạng những đội bóng có mức chi tiêu ròng khủng nhất trong 10 năm qua. Đáng chú ý, những tập thể vốn được coi là “dùng tiền mua danh hiệu” như Man City hay PSG không phải đội đứng đầu mà lại chính là Man United.
Cụ thể, kể từ khi HLV Louis van Gaal được bổ nhiệm vào mùa hè 2014, chi tiêu ròng của Man United, bao gồm cả tiền bán cầu thủ, ở mức đáng kinh ngạc là 1,2 tỷ bảng. Trong đó, riêng kể từ đại dịch Covid 19 năm 2020 đến nay, Quỷ đỏ đã tiêu 524 triệu bảng, con số khổng lồ trong quãng thời gian chỉ trong ba năm.
Sự hiện diện của Rasmus Hojlund, Mason Mount và Andre Onana ở mùa hè 2023 với tổng giá trị 164 triệu bảng cũng đã khiến mức độ đầu tư của Man United càng trở nên vượt trội trong một thập kỷ qua. Tuy nhiên, dù chi tiêu khủng như vậy trên thị trường chuyển nhượng, Quỷ đỏ vẫn đang rơi vào tình trạng bất ổn với chất lượng cũng như chiều sâu đội hình không mấy ấn tượng.
Man United tiêu nhiều tiền nhưng không thu được thành quả như ý
Một thập kỷ qua, sau khi Sir Alex Ferguson nghỉ hưu, Man United đã trải qua 5 đời HLV, với sự phục vụ của 54 cầu thủ, cộng thêm các khoản phí đền bù phải trả cho những HLV bị sa thải, tất cả những gì mà Man United thu về chỉ là 1 chức vô địch Europa League, 1 FA Cup và 2 Cúp Liên đoàn. Quỷ đỏ rõ ràng không trắng tay, nhưng những danh hiệu mà họ giành được rõ ràng không tương xứng với số tiền mà họ đã đầu tư.
Chỉ cần nhìn qua một vài cầu thủ đã tiêu tốn của Man United hơn 50 triệu bảng, người hâm mộ dễ dàng tìm ra những bản hợp đồng thất bại hơn là thành công. Angel Di Maria, Anthony Martial, Paul Pogba, Romelu Lukaku, Harry Maguire hay mới nhất là Jadon Sancho đều khiến đội nhà thất vọng.
Tất nhiên, vẫn có những bản hợp đồng Man United thu về thành công. Những Bruno Fernandes, Casemiro, Lisandro Martinez hay Raphael Varane rõ ràng đang là trụ cột của nửa đỏ thành Manchester, cả trên sân lẫn trong phòng thay đồ. Dù vậy, nếu so với những gì mà Quỷ đỏ đã đầu tư, nó chỉ là “hạt cát trên sa mạc”.
“Thuế Man United”
Có một thực tế, đó là Man United trong khoảng mười năm trở lại đây luôn phải mua cầu thủ với giá trị đắt hơn thực tế. Thậm chí khi Quỷ đỏ hỏi mua bất cứ cầu thủ nào, người ta còn gọi khoản tiền chênh lệch so với giá trị mà các đội bóng khác hỏi mua là “thuế Man United”.
“Thuế United” bắt đầu bởi thói quen mua sắm vô tội vạ của Ed Woodward. Cựu giám đốc điều hành Man United không hiểu gì về bóng đá, do đó thường xuyên có những định hướng sai lầm trong chuyển nhượng và xây dựng đội bóng.
Theo thời gian, các đối tác của Man United đều mặc định đội chủ sân Old Trafford là một đội bóng giàu có và thiếu khôn ngoan khi chuyển nhượng. Vì thế “thuế Man United” ra đời. Các cầu thủ được Quỷ đỏ quan tâm đều bị thổi phồng giá trị chuyển nhượng và họ luôn bị ép giá mỗi khi mua cầu thủ.
Ví dụ tiêu biểu nhất cho việc này là đến thương vụ Man United chiêu mộ Harry Maguire từ Leicester vào năm 2019. Sau hai mùa giải thi đấu xuất sắc trong màu áo Bầy cáo và ĐT Anh, trung vệ sinh năm 1993 được định giá khoảng 60 triệu bảng. Tuy nhiên khi Quỷ đỏ hỏi mua, Leicester đã hét giá đến 90 triệu bảng. Man City vì thế đã rút lui, tuy nhiên Man United tiếp tục đàm phán và sau cùng phải chi ra 80 triệu bảng cho Maguire, phá vỡ kỷ lục chuyển nhượng của một trung vệ.
Sự thay đổi sau thời kỳ Ed Woodward
Mãi đến khi Ed Woodward từ chức vào tháng 4/2021 và bộ đôi John Murtough cùng Richard Arnold được bổ nhiệm thay thế, Quỷ đỏ mới phần nào khắc phục được vấn đề này. Dù vậy, Man United vẫn gặp rất nhiều khó khăn trên bàn đàm phán.
Vào mùa hè 2021, Man United rất muốn chiêu mộ tiền đạo trẻ Benjamin Sesko của RB Salzburg. Anh được định giá 15 triệu euro, tuy nhiên khi John Murtough liên hệ, giá trị của tiền đạo này được đẩy lên thành 28 triệu euro. Phía CLB nước Áo đã nói với Murtough rằng: “Các anh là Man United, các anh thiếu gì tiền”. Do đó, vị giám đốc này cùng các cộng sự đã quyết định bỏ qua Sesko.
Ở thời điểm hiện tại, Man United đang nỗ lực xóa bỏ cái gọi là “thuế United” và sẵn sàng từ bỏ những mục tiêu chuyển nhượng nếu giá trị của cầu thủ đó bị thổi phồng quá mức, qua đó tiết kiệm chi tiêu nhất có thể. Tuy nhiên đó sẽ là một quá trình dài bởi như đã đề cập, suốt mười năm qua, Man United chính là “trùm” thua lỗ trên thị trường chuyển nhượng.