16 Tháng mười hai, 2022

Pháp 2022 so với Pháp 2018: Bình cũ, rượu mới, tiếp tục thành công

Vẫn là cấu trúc 4-2-3-1, nhưng HLV Didier Deschamps đã ứng biến khéo léo để duy trì sức mạnh cho “Gà trống Gaulois”.

ĐT Pháp bước vào World Cup 2022 với hàng loạt chấn thương của các trụ cột. Vì vậy, HLV Deschamps phải thích ứng với tình hình bằng những ý tưởng mới. Đến lúc này, có thể nói ông đã thành công.

#1BIẾN CHUYỂN HỆ THỐNG 4-2-3-1

Trong chiến dịch trên đất Nga, Blaise Matuidi – một tiền vệ trung tâm, chơi vị trí chạy cánh trái để bù đắp khả năng phòng ngự cho Kylian Mbappe phía bên phải. Corentin Tolisso và Nabil Fekir cũng từng đảm trách vai trò tương tự.

Đội hình xuất phát trận Pháp – Croatia, chung kết World Cup 2018.
Đội hình xuất phát trận Pháp – Croatia, chung kết World Cup 2018.

Tại Qatar, Mbappe hoạt động chủ yếu ở cánh trái, còn hành lang đối diện thuộc về Ousmane Dembele. Với hai cầu thủ giàu tốc độ và giỏi rê dắt tại hai biên, Pháp trở nên đáng sợ trong những tình huống 1v1.

Đội hình xuất phát trận Pháp – Ma Rốc, bán kết World Cup 2022. (Ảnh: WhoScored)
Đội hình xuất phát trận Pháp – Ma Rốc, bán kết World Cup 2022. (Ảnh: WhoScored)

Đáng chú ý, trước World Cup 2022, cụ thể là ở UEFA Nations League 2020/21, HLV Deschamps đã thử nghiệm sơ đồ 3-4-1-2, với Mbappe cùng Karim Benzema đá cặp tiền đạo. Đúng là Les Bleus đã vô địch giải đấu ấy, nhưng họ khá bị động (do lùi về tạo thành hệ thống 5-3-2 khi không có bóng), thiếu cân bằng và sống nhờ vào những khoảnh khắc tỏa sáng của các cá nhân.

Trận Bỉ – Pháp, bán kết Nations League 2020/21.
Trận Bỉ – Pháp, bán kết Nations League 2020/21.

#2VAI TRÒ MỚI CỦA ANTOINE GRIEZMANN

Ở World Cup 2018, Griezmann nhận vai trò số 10 và ghi được 4 bàn (nhiều nhất đội, ngang với Mbappe). Năm nay, anh hoạt động thấp hơn, gần như là một số 8. Rốt cuộc, ngôi sao 31 tuổi chưa nổ súng lần nào nhưng đã tạo ra 21 cơ hội để các đồng đội dứt điểm, 7 trong số đó được xem là các pha bóng “ngon ăn”.

Những lần tạo cơ hội của Griezmann.
Những lần tạo cơ hội của Griezmann.

Trong trạng thái không bóng, cả Pháp phiên bản 2018 và 2022 đều có xu hướng hình thành khối đội hình dạng 4-4-2. Điểm khác biệt là 4 năm trước, Griezmann đứng cùng Olivier Giroud nơi tuyến đầu…

… còn năm nay số 7 lùi về tuyến giữa, nhường vị trí đằng trên cho Mbappe.

Tuy nhiên, ở một số thời điểm, cầu thủ thuộc biên chế Barcelona cũng dâng lên nhằm gia tăng sức ép về phía đối phương.

Trước Ma Rốc, Griezmann thực hiện 101 tình huống gây áp lực, thành tích ấn tượng nhất đối với một cầu thủ Pháp kể từ đầu giải.

#3SỰ BÙNG NỔ CỦA THEO HERNANDEZ

Trong hành trình đăng quang 4 năm về trước, cặp đôi hậu vệ Lucas Hernandez và Benjamin Pavard đã đá chính 6/7 trận. Cả hai đều xuất thân là trung vệ nên không quá giỏi tấn công, do đó chủ yếu làm việc bên phần sân nhà.

Lucas chơi thấp tại World Cup 2018.
Lucas chơi thấp tại World Cup 2018.

Năm nay, Kounde – một trung vệ khác, thay thế Pavard bên cánh phải và vẫn chơi khá thấp. Nhưng ở cánh trái, chấn thương của Lucas giúp Theo có cơ hội tỏa sáng.

Theo dâng cao tại World Cup 2022.
Theo dâng cao tại World Cup 2022.

Đội phó CLB AC Milan có khả năng leo biên tốt, đồng thời tạt bóng cũng rất cừ. Thậm chí, anh còn sẵn sàng xâm nhập khu vực 16m50 để dứt điểm, giống như bàn thắng vào lưới Ma Rốc.

Trong trận gặp Đan Mạch, chính Theo cùng Mbappe đã phối hợp ăn ý, từ đó xé lưới đối thủ. Nhận đường chuyền chuyển cánh từ Aurelien Tchouameni, hậu vệ mang áo số 22 đẩy nó tới chỗ Mbappe rồi tăng tốc mạnh mẽ về phía vùng cấm địa.

Mbappe đưa bóng xuống đáy biên…

… và Theo, thay vì căng ngang cho Giroud (mũi tên màu tím), đã nhả ngược lại để Mbappe lập công (mũi tên màu vàng).

Nhờ nhóm cầu thủ “dự bị” có chất lượng hảo hạng, Deschamps đã xoay sở khá tốt trước cơn bão chấn thương. So với năm 2018, hiện tại đoàn quân áo xanh đã ghi nhiều hơn 3 bàn (tính tới trước trận chung kết). Thử thách cuối cùng dành cho Pháp là Argentina – đội đã chọc thủng lưới họ 3 lần trên đất Nga. Hãy chờ xem Deschamps sẽ làm gì để vô hiệu hóa Lionel Messi và La Albiceleste.

 


XEM THÊM: